Liên kết website

ffff
fff
Du lịch mạo hiểm - Sao giống với kiểm định và đào tạo an toàn thế
29-02-2016

Bài viết hay, sự an toàn không thể tùy tâm được. Hành động, sự việc mất an toàn thì chưa chắc đã xảy ra tai nạn ngay được nhưng khi xảy ra rồi thì mới ân hận sao không đi con đường chính thống.

TT - Trưa 26-2 là một buổi trưa ác mộng với ngành du lịch Đà Lạt. Ba du khách đến từ Anh đã gặp tai nạn và tử vong 
tại thác Tử thần (Datanla) khi tham gia du lịch mạo hiểm vượt thác.

Đến tối, sau khi bàn giao thi thể những vị khách xấu số cho những cơ quan có trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Nguyên, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, vẫn còn chưa thôi bàng hoàng khi thốt lên: “Đó là bài học quá lớn cho ngành du lịch”.

Bà Nguyên thẳng thắn nhìn nhận rằng có hai nguyên nhân khiến du lịch Đà Lạt và gia đình nạn nhân phải gánh chịu những hậu quả và mất mát lớn này.

Đó là sự lơi lỏng trong giám sát hoạt động du lịch mạo hiểm của cơ quan chức năng và sự lơ là tuân thủ các quy định an toàn của các đơn vị tổ chức.

Đã hơn mười năm qua, du lịch mạo hiểm vượt thác và nhiều môn mạo hiểm khác xuất hiện tại Đà Lạt như một sản phẩm du lịch quan trọng và được nhiều du khách trong, ngoài nước quan tâm. Bản thân du lịch mạo hiểm là môn thể thao thú vị.

Bên trong lớp vỏ mạo hiểm đó là cả sự an toàn được chuẩn bị thấu đáo từ huấn luyện viên, kỹ năng người chơi, địa hình được chọn để chơi... Người chơi được đặt trong một không khí mạo hiểm nhưng không hề mạo hiểm và tuần tự bước qua những ranh giới để khám phá lòng tự tin của mình.

Một người quen của tôi đưa gia đình lên Đà Lạt du lịch và tìm hiểu về tour chinh phục thác Datanla cho hai thanh niên trong đoàn. Sau khi tìm hiểu, anh băn khoăn hỏi: “Sao có tour thì 600.000 đồng, có chỗ lại là 900.000, rồi có chỗ là 1,2 triệu đồng/người?”.

Tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi trên, tôi giật mình khi nghe hai chữ “tùy tâm” từ chính những nhà tổ chức! Nghĩa là công ty nào làm ăn đàng hoàng, đặt vấn đề an toàn lên vị trí số một thì họ sẽ đầu tư những thiết bị phục vụ tour mạo hiểm thật sự chất lượng, chịu đóng bảo hiểm...

Còn công ty chụp giật thì mua hàng trôi nổi, kém chất lượng, hoặc xài mãi mà không chịu kiểm tra... Chỉ một chuyện nho nhỏ thế thôi đã khiến giá tour chênh lệch khá nhiều.

Rồi khách thì không ít người chỉ chăm chăm nhìn vào giá tour mà chọn chỗ rẻ chứ không chịu nhớ đến câu “tiền nào của ấy”!

Ngay người viết từng tham gia các trò chơi mạo hiểm được tổ chức tại Datanla và cũng từng “toát mồ hôi lạnh” khi phát hiện một móc thép chuyên bảo hộ để đu từ đỉnh thác xuống chân thác đã khuyết đi phân nửa.

Thắc mắc thì nhận được câu trả lời chủ quan của người hướng dẫn: “Đồ xịn, mòn cỡ đó nhằm nhò gì đâu”! Tôi dứt khoát không chịu tuột xuống thác với cái móc thép khuyết phân nửa ấy thì người hướng dẫn mới chịu thay bằng móc khác.

Ngay sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã lên kế hoạch cho một cuộc kiểm tra toàn diện hoạt động du lịch mạo hiểm tại Đà Lạt. Đó là động tác cần, nhưng nó đúng là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Giờ đây, thông tin về chuyện ba vị khách người Anh thiếu may mắn đang lan truyền khắp thế giới, và biết bao giờ người ta mới hết ám ảnh về Đà Lạt - nơi mà du lịch mạo hiểm chỉ vừa mới bắt đầu tạo được thương hiệu?

Nguồn http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20160228/du-lich-mao-hiem-khong-the-tuy-tam/1058506.html